Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

BAO GIỜ HIỆP ĐỊNH TPP CÓ HIỆU LỰC?

Cách đây đúng 1 năm, ngày 5/10/2015, tại thành phố Atlanta, Hoa Kỳ, 12 quốc gia đã tuyên bố kết thúc đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, sau một chặng đường kéo dài hơn 5 năm với khoảng trên 25 phiên đàm phán đa phương và hội nghị bộ trưởng, cùng với vài chục cuộc đàm phán và gặp gỡ cấp cao song phương con thoi giữa các nước. Sau đó đúng 3 tháng, vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand, bản Hiệp định đã được 12 nước chính thức ký.

Câu hỏi mà nhiều người hiện nay quan tâm là vậy thì bao giờ TPP sẽ có hiệu lực?

Xin nói ngay là sẽ không có một câu trả lời ngắn, kiểu như là đến ngày- tháng-năm nào đó thì TPP sẽ có hiệu lực, mà câu trả lời sẽ là các điều kiện để TPP có hiệu lực là gì và khi nào hội tụ đủ các điều kiện đó thì TPP sẽ có hiệu lực

Theo điều 30.5, Chương 30 của TPP thì thời điểm có hiệu lực của TPP có thể xảy ra theo 1 trong 3 kịch bản sau:

Kịch bản 1: TPP có hiệu lực trước ngày 4/2/2018 (tức tính đến thời điểm 2 năm sau ngày ký). Theo kịch bản này thì nếu Quốc hội của cả 12 nước tham gia ký kết TPP đều phê chuẩn Hiệp định trước ngày 4/2/2018 thì tính từ ngày mà nước thứ 12 thông báo cho New Zealand  (là nước được phân công đóng vai trò lưu chiểu Hiệp định) về việc nước đó đã hoàn thành thủ tục pháp lý phê chuẩn trong nước thì lấy mốc là ngày thông báo đó cộng với 60 ngày thì sẽ ra ngày TPP có hiệu lực.
Ví dụ: Quốc hội 11 nước đã phê chuẩn TPP, chỉ còn Chi lê chưa phê chuẩn. Đến ngày 10/7/2017 Chi lê thông báo cho New Zealand rằng Quốc hội Chi lê đã phê chuẩn xong TPP thì ta sẽ cộng thêm 60 ngày, tức đến ngày 10/9/2017 thì TPP sẽ có hiệu lực.

Kịch bản 2: Nếu đến trước ngày 4/2/2018 mà kịch bản 1 không xảy ra, tức vẫn chưa đủ 12 nước hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong nước thì đến ngày đó (tức 4/2/2018) chỉ cần có ít nhất 6 nước TPP mà GDP cộng gộp của  những nước này chiếm ít nhất 85% GDP của toàn bộ khối 12 nước (tính theo số liệu công bố của IMF năm 2013) thì Hiệp định cũng sẽ có hiệu lực đối với những nước này. Thời điểm có hiệu lực cũng theo công thức cộng thêm 60 ngày, tức đến ngày 4/4/2018 sẽ chính thức có hiệu lực đối với  các quốc gia đã phê chuẩn.

Kịch bản 3: Nếu đến 4/2/2018 mà điều kiện ở kịch bản 2 vẫn chưa xảy ra thì TPP sẽ bị “treo” cho đến khi điều kiện đó xảy ra ở một thời điểm nào đó sau ngày 4/2/2018. Ví dụ: đến sau ngày 4/2/2018 đã có 6 nước phê chuẩn TPP, nhưng GDP của 6 nước ngày cộng lại vẫn chưa đạt được 85% GDP của toàn khối 12 nước; đến ngày 20/9/2019 thì thêm một nước thông báo cho New Zealand rằng Quốc hội nước đó đã phê chuẩn TPP và khi đó nếu tính thêm cả GDP của nước đó thì GDP của những nước phê chuẩn đã vượt qua mốc 85% GDP của toàn khối thì khi đó TPP sẽ có hiệu lực đối với những nước đã phê chuẩn sau 60 ngày kể từ ngày nước cuối cùng thông báo, tức vào ngày 20/11/2019. Ở thời điểm đó thì TPP chưa có hiệu lực đối với những nước chưa phê chuẩn.

Với kịch bản 1 thì khi có hiệu lực thì sẽ là TPP-12, còn nếu xảy ra kịch bản 2 hay 3 thì có thể sẽ chỉ có TPP-6, hay TPP-7,…(tức khi đó mới chỉ có 6 hay 7 nước tham gia)

Trên đây là sự diễn giải Điều 30.5 của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc lời văn của điều này trong Hiệp định thì vẫn chưa rõ hết, mà cần hiểu thêm năm điểm sau:

Điều thứ nhất mọi người nên biết là về công thức “6 nước và 85% GDP” trong thực tế là như thế nào. Trong trường hợp xảy ra Phương án 2 và Phương án 3 thì hết sức lưu ý đến điều kiện là những nước phê chuẩn đó phải có GDP cộng gộp bằng ít nhất 85% GDP của toàn bộ 12 quốc gia TPP. Cần biết rằng tính theo số liệu 2013 của IMF thì GDP của Hoa kỳ chiếm trên 61% và GDP của Nhật  chiếm khoảng 17% GDP của toàn khối 12 nước TPP. Vậy nên, nếu Hoa kỳ không phê chuẩn thì dù 11 nước còn lại, kể cả Nhật bản, có phê chuẩn thì tổng GDP cộng lại của 11 nước này (trừ Hoa kỳ) cũng chỉ chiếm 39% của toàn khối TPP, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ tối thiểu 85% theo quy định của Hiệp định nên TPP vẫn không có hiệu lực. Tương tự, nếu Nhật bản không phê chuẩn thì dù 11 nước còn lại, bao gồm cả Hoa Kỳ có phê chuẩn  thì tổng GDP cộng lại của 11 nước này (trừ Nhật) cũng mới chỉ đủ 83% GDP của toàn khối 12 nước.
Vậy nên có thể diễn giải ra rõ hơn là nếu xảy ra Kịch bản 2 và Kịch bản 3 thì sẽ là kịch bản khi mà Hoa kỳ VÀ Nhật bản VÀ ít nhất 4 nước khác phê chuẩn.

Ngoài ra còn một kịch bản có thể chỉ tồn tại trên lý thuyết mà khó có thể xảy ra trong thực tế, đó là nếu cả 3 nước Canada, Úc và Mehico (đứng thứ 3, thứ 4 và thứ 5 về độ lớn GDP trong số 12 nước) cùng rủ nhau không phê chuẩn thì TPP cũng sẽ không thể có hiệu lực do tổng GDP của 3 nước này cộng lại bằng 16,5% tổng GDP của toàn khối. Như vậy, nếu Hoa kỳ cùng Nhật bản và 7 nước kia phê chuẩn mà 3 nước này “rủ nhau” không phê chuẩn thì TPP sẽ không có hiệu lực. Tất nhiên, như trên đã nói, khả năng này chỉ tồn tại trên lý thuyết (để cho có vẻ là TPP có tính đến quyền của tất cả các nước) chứ khó có khả năng xảy ra trong thực tế. Bởi vậy, người ta hầu như không nói đến khả năng này.

Điều thứ hai mọi người nên biết là trong trường hợp xảy ra Kịch bản 2 và Kịch bản 3, tức có một nhóm các nước phê chuẩn trước và TPP sẽ chỉ có hiệu lực đối với nhóm những nước này. Khi đó các nước TPP phê chuẩn sau sẽ nghiễm nhiên (bị) trở thành “công dân hạng hai” tức là nước đó phải “xin” các nước đã phê chuẩn trước cho gia nhập TPP – tức gia nhập cái Hiệp định mà bản thân nước đó đã tham gia đàm phán và ký kết ngay từ đầu. (Đây phải chăng sẽ là một cái “giá” của việc chậm chân trong phê chuẩn. Nó tạo sức ép để các nước không nên lừng khừng trong việc phê chuẩn nếu đã quyết là tham gia). Theo quy định này thì các nước phê chuẩn trước sẽ xem xét đơn “xin” gia nhập TPP của nước phê chuẩn sau trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được đơn “xin gia nhập” này. Sau khi các nước này OK thì TPP sẽ có hiệu lực đối với nước phê chuẩn sau sau 30 ngày kể từ ngày nhận được trả lời “OK” của các nước phê chuẩn trước.

Điều thứ ba mọi người cần biết, đó là riêng đối với Hoa kỳ thì kể cả khi Quốc hội Hoa kỳ đã phê chuẩn và Quốc hội các nước đối tác đã phê chuẩn thì TPP vẫn chưa mặc nhiên có hiệu lực giữa Hoa Kỳ và các nước đối tác. Theo luật pháp của Hoa Kỳ thì sau khi Quốc hội Hoa kỳ phê chuẩn song thì Tổng thống Hoa kỳ phải thực hiện thêm một bước nữa gọi là bước chứng thực (certification process), nghĩa là Tổng thống Hoa Kỳ phải chứng thực là nước đối tác đã hoàn thành việc sửa đổi luật pháp quốc gia cho tương thích với cam kết của Hiệp định và đã có bộ máy, thiết chế để sẵn sang thực thi các cam kết một cách có hiệu lực và hiệu quả. Chỉ sau khi Tổng thống Hoa kỳ hoàn thành bước chứng thực này thì TPP mới có hiệu lực giữa Hoa Kỳ và từng nước đối tác mà Hoa Kỳ đã chứng thực. Với yêu cầu chứng thực này của Hoa Kỳ thì sẽ xảy ra kịch bản là tuy Quốc hội 12 nước đã phê chuẩn thì TPP không mặc nhiên có hiệu lực với cả 12 nước mà nó chỉ có hiệu lực đối với những nước mà Tổng thống Hoa kỳ (khi đó) chứng thực là luât pháp và thiết chế của nước đó đã tương thích với cam kết TPP. Nghe qua điều này có vẻ là khó chịu, nhưng nó sẽ loại trừ được tình huống "nói vậy mà không phải vậy" tức là sẽ cố gắng loại trừ được trường hợp một nước cam kết thì cam kết nhưng không thực hiện.

Điều thứ tư mọi người nên biết – điều này liên quan tới điều thứ ba bên trên – đó là để Tổng thống Hoa kỳ có thể chứng thực là Việt Nam đã sẵn sàng để tham gia TPP thì Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi bố sung một số văn bản pháp luật cho tương thích với cam kết TPP và sẵn sàng cho việc thực thi, trong đó quan trọng nhất là việc sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn. Theo bản Kế hoạch song phương Việt Nam – Hoa Kỳ về lao động (tức bản phụ lục đi kèm Hiệp định TPP) thì Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn và thành lập xong bộ máy, thiết chế về quan hệ lao động phù hợp với cam kết TPP mà đã được cụ thể hóa trong bản Kế hoạch song phương Việt Nam – Hoa Kỳ trước khi TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ. Nghĩa là, chỉ khi Việt Nam hoàn thành hai việc này thì Tổng thống Hoa Kỳ mới có đủ căn cứ để chứng thực là Việt Nam đã sẵn sàng thực thi TPP. Sau bước chứng thực này thì TPP mới có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa kỳ.

Điểu thứ năm mọi người nên hiểu, đó là sẽ không thể tồn tại phương án TPP sẽ có hiệu lực giữa Việt Nam và các nước khác, trừ Hoa Kỳ, bởi vì có người sẽ hỏi là nếu Tổng thống Hoa Kỳ không chứng thực Việt Nam đã sẵn sàng thực thi TPP thì Việt Nam “quên” Hoa Kỳ đi và “chơi” TPP với những nước còn lại thôi! Điều đó không thể xảy ra, vì như trên đã nói, nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ hay Nhật bản thì sẽ không có TPP. Thế nên Việt Nam có thể “chơi” với các nước khác ngoài Hoa Kỳ, nhưng đó sẽ không phải là TPP mà sẽ là một dạng thỏa thuận hay hiệp định song phương với một cái tên khác, không phải TPP.

Tóm lại, toàn bộ phần giải thích trên có thể gói gọn lại một câu: nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn thì trên đời này sẽ không có TPP. Đây là điều giải thích tại sao Quốc hội nhiều nước TPP đã “sẵn sàng phê chuẩn” nhưng lại chưa chính thức phê chuẩn bởi họ không muốn phê chuẩn một hiệp định rồi để đấy. Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ phê chuẩn thì các nước khác sẽ phê chuẩn rất nhanh, thậm chí không cần phải đợi đến đầu 2018. Còn nếu Hoa Kỳ không (hoặc chưa) phê chuẩn thì mọi thứ vẫn cứ “treo” đó. Đợi và đợi!

Hiều được toàn bộ câu chuyện TPP có hiệu lực như vậy thì bây giờ mọi người mới hiểu hết ý nghĩa của việc tại sao Tổng thống Obama vẫn quyết tâm dành những ngày cuối cùng của mình trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ để trình TPP ra Quốc Hội Mỹ. Theo những gì mà chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố thì thời gian trình dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian sau bầu cử Tổng thống (8/11/2016) và trước khi Tổng thống Obama chính thức bàn giao chức Tổng thống cho người kế nhiệm (ngày 20/1/2017). Mọi người hãy chờ xem điều kỳ diệu có xảy ra trong khoảng thời gian hơn 70 ngày này không.

Nếu Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn TPP trong thời gian này thì có thể TPP sẽ bị “treo” vô thời hạn, thậm chí “chết” hẳn nếu như ông Trump lên làm Tổng thống như ông ta tuyên bố. Hãy chờ xem!

(Phần trên là sự giải thích cả cá nhân tôi, mọi người có thể tham khảo. Đây không phải là sự diễn giải chính thức)

Mạnh Cường

13 nhận xét:

  1. Rất chi tiết và dễ hiểu. Cảm ơn anh Cường đã chia sẻ thông tin :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Lâm, Cường mong là các bạn tìm thấy thông tin hữu ích cho mình trong bài viết

      Xóa
    2. cam ơn bài viết ạ. có thêm tư liệu làm tiểu luận rồi :d

      Xóa
  2. Muốn có thêm nhiều bài viết của anh...

    Trả lờiXóa
  3. vấn đề là Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP. Nếu trường hợp này xảy ra thì điều 30.6 mới là chuyện phải bàn (chớ không phải là điều 30.5 như trong bài).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điều 30.6 chỉ có thể áp dụng SAU KHI Hiệp định đã có hiệu lực, tức phải thực hiện xong Điều 30.5. Nước nào muốn áp dụng điều này cũng phải là Bên của Hiệp định đã có hiệu lực, tức nước đó phải phê chuẩn TPP xong đã. Hiện nay Mỹ chưa phê chuẩn và Hiệp định TPP chưa có hiệu lực thì làm sao mà áp dụng được điều 30.6

      Xóa
  4. tác giả viết: "nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ hay Nhật bản thì sẽ không có TPP"
    Theo tôi là không đúng. Vì theo điều 30.6.2, nếu một bên (thí dụ Mỹ) rút khỏi TPP, thì hiệp ước vẫn có hiệu lực với các nước còn lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng như câu trả lời trên, điều 30.6 là áp dụng SAU KHI Hiệp định đã có hiệu lực. Nếu Mỹ đã phê chuẩn rồi, TPP đã có hiệu lực rồi thì Mỹ rút ra theo điều 30.6 thì TPP vẫn có hiệu lực với các nước còn lại. Còn ở thời điểm hiện tại phải làm sao cho TPP có hiệu lực đã. Mà muốn TPP có hiệu lực thì phải có sự tham gia của Mỹ và Nhật thì mới thỏa mãn yêu cầu của điều 30.5

      Xóa
  5. Em có một thắc mắc là tại sao lại lấy GDP của IMF 2013 mà không phải là 2015 ạ? Cảm ơn thầy bài viết

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Việc lấy số liệu GDP của năm 2013 vì số đó đã được chốt vào thời điểm đang đàm phán.

      Xóa
  6. Cháu chào bác ạ.
    Cháu đã được đọc các bài biết về quan hệ lao động trong CPTPP trên blog của bác. Các bài viết đều rất chi tiết, dễ hiểu và hữu ích đối với cháu ạ.
    Hiện tại cháu đang làm nghiên cứu khoa học về những quy định của CPTPP về quyền của người lao động- cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
    Cháu rất mong được đọc thêm nhiều bài viết của bác ạ.
    Cháu xin chân thành cảm ơn.Cháu chào bác.

    Trả lờiXóa